QUY TRÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRƯỚC KHỞI TỐ BỊ CAN
1. QUY TRÌNH TỔNG QUÁT
1.1.1 Khái quát sơ bộ
Tố tụng hình sự quy định về quy trình tố tụng chứng minh một hành vi của một chủ thể là tội phạm, đã xác lập hành vi nguy hiểm cho xã hội bằng chính hành vi của mình và người này có đầy đủ năng lực pháp luật hay không.
Quy trình bắt đầu từ lúc cơ quan tiến hành tố tụng nhận được tin báo, đơn tố giác hoặc tự mình phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định, nếu đủ cơ sở cấu thành tội phạm thì tiến hành gửi hồ sơ cho viện kiểm sát, yêu cầu truy tố, cuối cùng là yêu cầu toà án tuyên bố người này có tội và phải chịu hình phạt bằng cách cho thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.
1.1.2 SƠ ĐỒ TỔNG QUÁT
2. TỐ GIÁC VÀ TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM
2.1.1 Cơ sở tố giác
Khi bất kì tổ chức cá nhận nào nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác bị xâm phạm mà hành vi xâm phạm ấy có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về hình sự thì chủ thể này có quyền và nghĩa vụ trình báo đến các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về sự việc.
Lưu ý: Người tố giác không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm nên chỉ cần nghi ngờ một hành vi có dấu hiệu tội phạm là có thể tiến hành báo với cơ quan tiến hành tố tụng.
2.1.2 Chủ thể tiến hành tố giác.
Chủ thể thực hiện các hành vi nhằm để cơ quan tiến hành tố tụng biết về sự việc phạm tội.
Cá nhân: Tiến hành tố cáo các hành vi mà mình cho là tội phạm do mình phát hiện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tổ chức, cá nhân: Tiến hành thông báo đến cơ quan có thẩm quyền thông tin mình biết về tội phạm.
2.1.3 Phương thức nhận thông tin.
(i) Nhận trực tiếp
(ii) Nhận thông qua bưu điện
(iii) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
3. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO
3.1.1 Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin báo.
• Cơ quan công an các cấp
• Viện kiểm sát nhân nhân các cấp
• Toà án
• Cơ quan được giao trách nhiệm tiến hành một số hoạt động điều tra.
• Cơ quan báo chí
• Các cơ quan tổ chức khác.
3.1.2 Cơ quan có thẩm quyền xử lý tin báo.
Sau khi các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin báo sẽ phải tiến hành phân loại, xác minh ban đầu, nếu xét thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải thông báo và chuyển giao tin báo, đơn tố giác về tội phạm cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp cơ quan tiếp nhận là cơ quan điều tra : các cấp thì tiến hành thụ lý xác minh theo quy định, trong quá trình xác minh nếu thấy không thuộc thẩm quyền thì tiến hành chuyển hồ sơ.
Viện kiểm sát tiếp nhận: Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Công an cấp phường: Xác minh ban đầu và lập tức chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Công an cấp xã: Lấy lời khai ban đầu và gửi hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Cơ quan khác: Lập tức chuyển cho cơ quan điều tra.
3.1.3 Biện pháp xác minh.
Sau khi nhận tin báo, tố giác, cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp xác minh sau:
• Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
• Khám nghiệm hiện trường;
• Khám nghiệm tử thi;
• Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
3.1.4 Các trường hợp buộc phải giám định.
• Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
• Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
• Nguyên nhân chết người;
• Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
• Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
• Mức độ ô nhiễm môi trường.
3.1.5 Kết thúc xác minh.
Sau khi xác minh cơ quan điều tra ra một trong các quyết định sau:
• Khởi tố vụ án
• Không khởi tố vụ án
• Tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.
4. ĐẠI DIỆN TRONG TTHS
4.1.1 Đại diện cho bị hại.
Trong trường hợp bị hại là người chưa thành niên hay người hạn chế hay mất năng lực hành vi hoặc bị hại đã chết thì áp dụng tương tự pháp luật để xác định phạm vi đại diện:
• Vợ/chồng bị hại
• Cha/mẹ bị hại
• Tiếp tục tính theo các hàng thừa kế.
*Lưu ý: Người đại diện có thể uỷ quyền lại bằng giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
4.1.2 Lý luận về đại diện trong TTHS
TTHS không quy định chi tiết về chế định đại diện, nhưng theo quan điểm về lý luận các quyền được đại diện bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định nếu người được đại diện còn sống nhưng bị hạn chế hay mất năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp người được đại diện đã chết thì chỉ có quyền quyền tài sản thông thường và quyền tài sản có liên quan đến tố tụng được thừa kế, nhưng về mặt thực tiễn khi bị hại chết thì người thừa kế quyền vẫn được gọi là người đại diện và ngoài các quyền tài sản thì có thêm các quyên khác do luật định (kháng cáo, khiếu nại vv.)
5. KHỞI TỐ VÀ KHÔNG KHỞI TỐ VỤ ÁN
5.1.1 Cơ sở khởi tố
Khi kết thúc việc xác minh ban đầu tin báo, tố giác, cơ quan điều tra xác định có sự việc phạm tội thì tiến hành khởi tố vụ án để điều tra theo thẩm quyền của mình.
Nếu xác định không có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định không khởi tố vụ án.
5.1.2 Khiếu nại và cung cấp chứng cứ.
Khi nhận đươc quyết định không khởi tố vụ án, người tố giác có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố, theo quy định của BLTTHS.
Theo thẩm quyền khởi tố vụ án Viện Kiểm sát nếu xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan điều tra không khởi tố mà mình đã yêu cầu, mà cơ quan điều tra không chấp hành thì VKS tự mình khởi tố vụ án.
5.1.3 Bình luận
TTHS là một quy định về trình tự đóng người tham gia tố tụng có quyền hạn chế, trong có các quyền cung cấp và thu thập chứng cứ vẫn được ghi nhận nên trong trường hợp nắm được các chứng cứ cần thiết có thể cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu khởi tố vụ án.
6. GỬI, TỐNG ĐẠT VĂN BẢN
6.1.1 Vấn đề chung
Khi cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra các quyết định, thì theo quy định cần phải thông báo cho những người liên quan, như thông tin đã được cung cấp từ trước.
6.1.2 Hình thức thông báo.
Các hình thức thông báo bao gồm:
• Cấp, giao, chuyển trực tiếp
• Gửi qua dịch vụ bưu chính;
• Niêm yết công khai
• Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng.
Lưu ý : Trong đó việc niêm yết chỉ được thực hiện khi không xác định được địa chỉ nơi ở.