QUYỀN NGHI NGỜ HỢP LÝ VỀ THẾ QUYỀN
Quyền yêu cầu một người phải thực hiện một công việc được xem là tài sản theo quy định của BLDS 2015. Vì là tài sản, nên chủ sở hữu được phép chuyển nhượng quyền cho người khác theo quy định. Việc định đoạt loại tài sản này cần phải tuân theo một trình tự nhất định để giao dịch có hiệu lực.
Trong thực tiễn khi người có quyền chuyển quyền yêu cầu cho bên thứ ba thì sẽ thường gặp một số rủi ro cho bên có nghĩa vụ. Như việc bên thứ ba giả mạo thế quyền hoặc tính xác thực của văn bản thế quyền bị nghi ngờ. Do các rủi ro đó, việc chuyển giao quyền yêu cầu phải tuân thủ một trình tự nhất định để giao dịch này có hiệu lực. Đồng thời người có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa nếu bên giao quyền và nhận quyền không tuân thủ đúng trình tự và thủ tục luật định.
I. Hình thức của việc chuyển giao
Theo quy định tại Điều 310 BLDS 2005 việc chuyển giao phải được lập thành văn bản hoặc lời nói. Đồng thời, bên chuyển giao có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người có nghĩa vụ. So với BLDS 2005, BLDS 2015 bãi bỏ hình thức của hợp đồng chuyển giao quyền yêu cầu, cho nên Hợp đồng có thể được xác lập bằng lời nói, hành vi hay văn bản.
II. Nghĩa vụ thông báo của bên có quyền được cho là điều kiện để Giao dịch chuyển giao quyền yêu cầu có giá trị pháp lý ?
Để tránh trường hợp bên có nghĩa vụ bị lừa dối do người thế quyền là giả tạo. Cả BLDS 2005 và 2015 đều ghi nhận nghĩa vụ thông báo bằng văn bản của người chuyển quyền đến người có nghĩa vụ. Hai văn bản trên chỉ thay đổi về hậu quả pháp lý của việc bên có quyền không thông báo cho bên có nghĩa vụ biết.
Xuất phát từ quyền nghi ngờ hợp lý của bên có nghĩa vụ về việc bên thế quyền có nhận chuyển giao quyền yêu cầu hợp pháp hay không. BLDS 2005 cho phép người có nghĩa vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ khi người chuyển giao quyền không thực hiện việc nghĩa vụ thông báo.
Điều này có yếu tố bất lợi cho bên có quyền yêu cầu và bên nhận thế quyền trong một số trường hợp cụ thể. Đồng thời mục đích của Điều Luật đã bị bóp méo. Vì lẽ điều Luật được xác lập nhằm bảo vệ bên có nghĩa vụ không bị lừa dối do Thế quyền giả tạo. Tuy nhiên quy định cũng cho phép ngay cả khi thế quyền hợp pháp và người có quyền đã xác nhận việc chuyển giao quyền. Thì bên có nghĩa vụ cũng được từ chối thực hiện nghĩa vụ do trước đó họ không nhận được thông báo (Khoản 1 Điều 314 BLDS 2005).
Quy định như trên đã tạo kẻ hở để bên có nghĩa vụ thoái thác trách nhiệm. Bởi lẽ, quyền nghi ngờ hợp lý đã chấm dứt khi thế quyền được xác nhận là hợp pháp. Đồng thời việc chuyển giao quyền không phụ thuộc vào người có nghĩa vụ. Tuy nhiên điều Luật trên đã làm cho người có nghĩa vụ có quyền tác động đến giao dịch của bên thứ ba quá mức cần thiết.
III. Sự khắc phục của BLDS 2015
Nhận thấy được điều này, BLDS 2015 đã có những thay đổi cơ bản. Theo đó, bên có nghĩa vụ chỉ được từ chối thực hiện công việc khi không nhận được thông báo của người có quyền rằng đã chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba và bên thế quyền không có minh chứng xác thực rằng mình đã được nhận thế quyền hợp pháp (Điều 369 BLDS 2015). Điều này nhằm bảo vệ cho người có nghĩa vụ không bị lừa dối trong giao dịch. Đồng thời cũng khắc phục việc bên có nghĩa vụ lợi dụng quy định về việc không được thông báo trước để từ chối thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, chỉ trong trường hợp người có nghĩa vụ không nhận được thông báo của bên chuyển giao quyền đồng thời bên thế quyền không có minh chứng xác đáng rằng mình có thế quyền hợp pháp (không có văn bản thế quyền hoặc chi nhánh công ty ký thế quyền mà không có giấy uỷ quyền của công ty.v.v) thì người có nghĩa vụ mới có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ. Minh chứng cho điều này bản án số 12/2018/KDTM-PT đã lập luận về vấn đề trên như sau:
"[...] Công ty C phải thông báo cho Công ty B biết việc chuyển quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 309 Bộ luật Dân sự nhưng Công ty C không báo cho Công ty B là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
[...]
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A: Buộc Công ty B bồi thường cho Công ty A số tiền 118.057.000 đồng (Một trăm mười tám triệu, không trăm năm mươi bảy nghìn đồng) [...]"
Như vậy dù công ty C không thông báo cho B biết rằng mình đã chuyển giao quyền là sai, tuy nhiên toà vẫn buộc B phải thực hiện nghĩa vụ của mình cho bên thế quyền. Đồng thời BLDS 2015 cũng đã dự liệu rằng: việc không thông báo trước mà gây ra các chi phí cho bên có nghĩa vụ (chi phí đi lại, xác minh, V...v) thì bên có quyền buộc phải hoàn trả chi phí ấy cho bên có nghĩa vụ theo Khoản 2 Điều 365 BLDS 2015. Và trường hợp người Thế quyền đưa ra yêu cầu sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong công việc cho bên có quyền. Thì thế quyền mặt nhiên chấm dứt và người có quyền phải bồi thường cho người nhận thế quyền.
Đỗ Như Hưng
09680.333.16 - donhuhung.law@gmail.com