MIỄN TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TÀU- phần 1
NGHĨA VỤ ĐẢM BẢO KHẢ NĂNG ĐI BIỂN CỦA CHỦ TÀU
Vận chuyển hàng hoá bằng đường biển là phương thức rủi ro và có giá thành rẻ. Vì thế người kinh doanh dịch vụ vận chuyển sẽ được giới hạn trách nhiệm đối với hàng hoá trên tàu. Luật Việt Nam kế thừa chế định miễn trách nhiệm đối với chủ tàu trong Công ước hamburg 1978. Theo đó trong một số trường hợp Luật định Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm đối với thiệt hại, mất mác về hàng hoá trên tàu.
Phạm vi miễn trách nhiệm trong hợp đồng vận tải bằng đường biển được quy định tại Điều 150 và 151 BLHH 2015. Theo đó, chủ tàu được miễn trách nhiệm hoàn toàn khi thiệt hại hàng hoá xảy ra do nguyên nhân quy định tại Điều 151. Phạm vi Điều 151 rất rộng, khi điều Luật xác định chủ tàu được miễn trách nhiệm hoàn toàn trong các trường hợp:
1. Tàu không đủ khả năng đi biển, nhưng chủ tàu đã mẫn cán trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
2. Lỗi dẫn thiệt hại do Thuyền trưởng, thuyền viên hoặc người làm công của chủ tàu gây ra trong việc vận hành và quản trị tàu.
3. Những trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ.
4. Lỗi dẫn đến thiệt hại do sự vô ý của chủ tàu.
Đối với nghĩa vụ đảm bảo khả năng đi biển của tàu
Điều 150 BLHH 2015 mô tả: "Người vận chuyển phải mẫn cán để trước và khi bắt đầu chuyến đi, tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; các hầm hàng, hầm lạnh và khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hóa có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hóa phù hợp với tính chất của hàng hóa."
Như vậy, theo điều Luật trên chủ tàu phải mẫn cán để trước khi bắt đầu chuyến đi tàu phải:
1. Có đủ khả năng đi biển.
2. Có Thuyền bộ thích hợp.
3. Có đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ.
4. Cuối cùng là có các trang thiết bị thích hợp trong việc bảo quản hàng hoá.
Trong các sự chuẩn bị kể trên. Với nghĩa vụ chuẩn bị: Thuyền bộ; trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; thiết bị bảo quản hàng hoá. Thì Người vận chuyển có thể chứng minh sự mẫn cán của mình thông quá việc xuất trình giấy tờ về việc cung cấp trang thiết bị phù hợp cho việc đi biển (Hợp đồng mua trang thiết bị, biên bản giao nhận trang vị V.v); các giấy tờ chứng minh trình độ chuyên môn và số lượng phù hợp của thuỷ thủ trên tàu.
Với Quy định chủ tàu phải đảm bảo rằng tàu có đủ khả năng đi biển. Khái niệm này tách biệt khỏi các điều kiện về Thuyền bộ và đảm bảo trang thiết bị. Tuy nhiên điêù Luật lại chưa định nghĩa rõ thế nào là tàu có đủ khả năng đi biển.
Trong thực tiễn áp dụng pháp luật điều này được đề cập trong bản án số 03/2018/KDTM-ST. Toà án đã lập luận về sự mẫn cán của chủ tàu trong việc đảm bảo tàu đủ khả năng đi biển như sau:
1. Trên tàu lúc xảy ra tai nạn có đủ thuyền viên bao gồm 08 người, bố trí đầy đủ các chức danh theo Định biên an toàn tối thiểu. Các thuyền viên đều có đầy đủ các giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định.
2. Tàu có các loại giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, các giấy tờ chứng nhận về khả năng đi biển, trang thiết bị an toàn hàng hải đúng và đầy đủ theo quy định.
3. Tàu đang vận chuyển 3.038,85 tấn gạo và cám nằm trong tải trọng cho phép của tàu tối đa là 3.130,9 (MT).
4. Tàu có giấy phép rời cảng do Cảng vụ hàng hải An Giang cấp ngày 03/3/2017.
5. (Kết luận) Như vậy tàu Minh Đức Phát 68 đã bị chìm đắm do nguyên nhân bất khả kháng trong khi đang di chuyển trong vùng biển được phép hoạt động thuộc trường hợp PJICO phải bồi thường theo điểm b khoản 1 điều 3 của Quy tắc bảo hiểm thân tàu của PJICO quy định về điều kiện bảo hiểm A."
Bản án số 03 đã nêu được khái niệm thế nào là tàu đủ khả năng đi biển khi đề cập đến: các giấy tờ chứng nhận về khả năng đi biển; Giấy đăng kiểm; Giấy phé rời cảng. Vì lập luận này bản án trên đã làm rõ khái niệm đảm bảo khả năng đi biển của tàu đồng nghĩa với nghĩa vụ phải đăng kiểm tàu biển của chủ tàu và tính xác thực của giấy phép rời cảng trong mỗi chuyến đi. Bởi lẽ, việc có đủ hai loại giấy tờ trên đã chứng minh được rằng tàu đã đáp ứng đủ tính an toàn kỹ thuật để vận hành vì:
1. Khoản 1 Điều 29 BLHH 2015 quy định về tính nguyên tắc của đăng kiểm khi xác định: "Tàu biển Việt Nam phải được kiểm định, phân cấp, đánh giá và cấp các giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi đóng mới, nhập khẩu, hoán cải, sửa chữa phục hồi và trong quá trình hoạt động nhằm bảo đảm tình trạng kỹ thuật theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
2. Khoản 1 Điều 74 Nghị định 58/2017/NĐ-CP quy định về việc tàu rời cảng và giá trị của Giấy phép khi tàu rời cảng: "Tàu thuyền chỉ được phép rời cảng biển khi bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định và sau khi đã hoàn thành thủ tục quy định tại Nghị định này, được Giám đốc Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng"
Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng nội hàm của điều Luật đảm bảo tàu có đủ khả năng đi biển quy định tại điều 150 BLHH 2015 là việc đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu và chủ tàu hoàn thành nghĩa vụ này khi đã:
1. Đăng kiểm tàu biển.
2. Hoàn thành thục tục để tàu đủ điều kiện rời cảng theo quy định.
Vậy nội hàm khái niệm Nghĩa vụ đảm bảo tàu có khả năng đi biển là việc chủ tàu: Thực hiện các thủ tục Đăng kiểm và rời cảng nhằm xác định tàu đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật trước và trong khi tàu rời cảng.
Đỗ Như Hưng
09680.333.16 - donhuhung.law@gmail.com